Lãi thẻ tín dụng Mcredit hiện nay là bao nhiêu? Cách tính lãi suất thẻ tín dụng Mcredit

Thẻ tín dụng Mcredit là sản phẩm thẻ được phát hành bởi Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei và tổ chức thẻ tín dụng JCB. Khách hàng đăng ký mở thẻ tín dụng Mcredit sẽ được cấp một hạn mức dựa trên điều kiện về thu nhập để thanh toán, chi tiêu. Đến kỳ hạn thanh toán theo quy định khách hàng có trách nhiệm hoàn trả số tiền đó cùng với phí và lãi suất phát sinh cho ngân hàng.

Bản chất khi sử dụng thẻ tín dụng là việc khách hàng đang vay trước từ ngân hàng một khoản tiền để chi tiêu. Do đó khoản tiền này sẽ được tính lãi dựa trên quy định khi phát hành thẻ tín dụng.

Lãi suất thẻ tín dụng Mcredit là bao nhiêu?

Lãi suất thẻ tín dụng Mcredit hiện nay phụ thuộc vào từng sản phẩm thẻ tín dụng phát hành cho khách hàng, dao động từ 14,05% đến 38,59%/năm. Mức lãi suất này sẽ được tư vấn và công bố cho khách hàng tại thời điểm đăng ký mở thẻ. Để được tư vấn chi tiết khách hàng có thể liên hệ với Mcredit theo số hotline 1900 636769.

Thời hạn miễn lãi cho các giao dịch thanh toán, mua sắm (trừ rút tiền mặt) tại Mcredit hiện nay là 45 ngày. Mức lãi suất quá hạn hiện nay được tính là 150% lãi suất trong hạn.

Quy định của Mcredit về lãi suất thẻ tín dụng

Ngoài quy định mức lãi suất của từng loại thẻ, Mcredit còn đưa ra các quy định về việc áp dụng lãi suất cho từng giao dịch, cụ thể như sau:

Đối với giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ

Việc xác định lãi đối với giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ được quy định cụ thể như sau:

  • Thời hạn miễn lãi cho các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ là 45 ngày. Nếu chủ thẻ tín dụng Mcredit thanh toán toàn bộ số dư nợ trên sao kê trước/vào ngày đến hạn thanh toán thì sẽ được hưởng ưu đãi miễn lãi cho toàn bộ giao dịch trong kỳ sao kê
  • Nếu chủ thẻ không thanh toán toàn bộ dư nợ nhưng vẫn thanh toán đầy đủ số tiền thanh toán tối thiểu vào trước/ngày đến hạn thanh toán thì sẽ phải trả lãi từ ngày phát sinh giao dịch cho đến hết ngày liền kề trước ngày thanh toán toàn bộ dư nợ và tính trên số dư nợ thực tế
  • Nếu chủ thẻ không thanh toán hoặc thanh toán thấp hơn số tiền thanh toán tối thiểu vào trước/ngày đến hạn thanh toán thì ngoài việc phải trả lãi kể từ ngày phát sinh giao dịch cho đến hết ngày liền kề trước ngày thanh toán trên toàn bộ dư nợ và tính trên số nợ thực tế, còn phải nộp thêm phí chậm trả theo quy định.

Thời gian miễn lãi thẻ tín dụng Mcredit là 45 ngày

Đối với giao dịch rút tiền mặt

Khác với các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ, chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt sẽ không được hưởng ưu đãi miễn lãi. Lãi suất sẽ tính trực tiếp và ngay lập tức kể từ thời điểm chủ thẻ thực hiện giao dịch đến hết ngày liền kề trước ngày chủ thẻ thanh toán toàn bộ giá trị khoản vay.

Đối với kỳ sao kê

  • Nếu trong 01 kỳ sao kê, chủ thẻ đảm bảo thanh toán đầy đủ số tiền thanh toán tối thiểu của kỳ sao kê đó hoặc không thanh toán số tiền thanh toán tối thiểu: Áp dụng lãi suất trong hạn
  • Từ kỳ sao kê tiếp theo, nếu 02 kỳ sao kê liên tiếp chủ thẻ không thanh toán hoặc thanh toán thấp hơn số tiền thanh toán tối thiểu: áp dụng mức lãi suất bằng 150% lãi suất trong hạn trên toàn bộ dư nợ quá hạn của chủ thẻ kể từ ngày chuyển nợ quá hạn cho đến ngày thanh toán, thẻ của khách hàng cũng sẽ bị khóa tạm thời.

Cách tính lãi thẻ tín dụng Mcredit

Công thức tính lãi của thẻ tín dụng Mcredit được xác định như sau:

Số tiền lãi = ⅀ Dư nợ thực tế x số ngày duy trì dư nợ thực tế x Lãi suất tính lãi/365

trong đó:

  • Thời điểm xác định dư nợ để tính lãi là cuối mỗi ngày trong thời hạn tính lãi
  • Lãi suất trong hạn được tính từ ngày phát sinh giao dịch cho đến hết ngày liền kề trước ngày thanh toán hết toàn bộ dư nợ và tính trên số dư nợ thực tế
  • Dư nợ thực tế = số tiền rút tại ATM + số tiền thanh toán hàng hóa, dịch vụ + các khoản phí – số tiền đã thanh toán

Bài viết trên đã hướng dẫn khách hàng cách tính lãi thẻ tín dụng Mcredit, hiểu rõ cách tính lãi này sẽ giúp cho chủ thẻ tín dụng biết được quy luật xác định lãi, để từ đó thanh toán dư nợ đúng hạn, giúp giảm một phần gánh nặng tài chính.

Bài viết này có hữu ích không? post

Viết một bình luận