Thị trường tài chính là gì?
Thị trường tài chính là thị trường giao dịch các loại tài sản liên quan đến tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu… Hộ gia đình, doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và Chính phủ chính là các thành phần tham gia giao dịch trên thị trường tài chính. Những đối tượng này sẽ tham gia mua và bán các loại tài sản tài chính – hàng hóa của thị trường tài chính.
Chính sự phát triển của nền kinh tế thị trường là cơ sở để thị trường tài chính hình thành và phát triển. Theo đó, khi nền kinh tế thị trường phát triển sẽ làm xuất hiện những chủ thể cần nguồn tài chính và những người có khả năng cung ứng nguồn tài chính.
Nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì các hoạt động về phát hành và mua bán lại các chứng khoán cũng phát triển, từ đó hình thành một thị trường riêng để đáp ứng cho cung cầu nguồn tài chính gặp nhau dễ dàng và thuận lợi hơn, đó chính là thị trường tài chính.
Bản chất của thị trường tài chính là sự luân chuyển vốn, giao lưu vốn
Như vậy, thị trường tài chính được hình thành bởi 3 nguyên nhân chủ yếu:
- Để giải quyết mâu thuẫn giữa khả năng và nhu cầu cung ứng vốn trong nền kinh tế phát triển.
- Do xuất hiện nhu cầu chuyển nhượng, mua bán các loại chứng khoán giữa các chủ sở hữu.
- Do sự ra đời và phát triển của nhiều hình thức huy động vốn linh hoạt trong nền kinh tế hàng hóa đa dạng.
Điều kiện hình thành thị trường tài chính
Thị trường tài chính được hình thành nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Nền kinh tế hàng hóa phát triển, tiền tệ ổn định và lạm phát được kiểm soát
- Thị trường có các công cụ tài chính đa dạng, tạo ra các phương tiện chuyển giao quyền sử dụng các nguồn tài chính
- Hệ thống các tổ chức trung gian tài chính được hình thành và phát triển
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức quản lý nhà nước để giám sát sự hoạt động của thị trường tài chính;
- Phải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật và hệ thống thông tin kinh tế phục vụ cho hoạt động của thị trường tài chính;
- Cần có đội ngũ các nhà kinh doanh, các nhà quản lý am hiểu thị trường tài chính và phải có đông đảo các nhà đầu tư có kiến thức, dám mạo hiểm trước những rủi ro có thể xảy ra trên thị trường.
Các yếu tố của thị trường tài chính
Thị trường tài chính bao gồm các yếu tố cấu thành cơ bản sau đây:
– Đối tượng của thị trường tài chính: Là những nguồn cung và nguồn cầu về vốn
– Công cụ tham gia vào thị trường tài chính: Các chứng từ có giá trị do các chủ thể phát hành
– Chủ thể của thị trường tài chính: Là những thể nhân và pháp nhân tham gia thị trường tài chính, chủ yếu là các công ty tài chính, công ty bảo hiểm, ngân hàng, quỹ đầu tư…
– Hàng hóa trên thị trường tài chính: Tùy theo từng loại thị trường, hàng hóa trên thị trường tài chính sẽ có sự khác nhau. Theo đó:
- Trên thị trường vốn: Hàng hóa chính là trái phiếu, Cổ phiếu, Chứng khoán cầm cố bất động sản
- Trên thị trường tiền tệ: Hàng hóa gồm Tín phiếu kho bạc, Chứng chỉ tiền gửi, Thương phiếu…
- Trên thị trường tài chính phái sinh: Hàng hóa gồm Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng giao sau, Hợp đồng hoán đổi, Hợp đồng quyền chọn.
Phân loại thị trường tài chính
Thị trường tài chính được phân thành nhiều loại dựa trên các căn cứ và yếu tố khác nhau. Theo đó:
Căn cứ vào thời gian sử dụng nguồn tài chính huy động
- Thị trường tiền tệ: Là thị trường phát hành và mua bán lại các công cụ tài chính ngắn hạn (kỳ hạn dưới 01 năm). Thị trường tiền tệ bao gồm: Các khoản vay ngắn hạn giữa các ngân hàng, tín phiếu kho bạc, thương phiếu, thỏa thuận mua lại, chứng chỉ tiền gửi,…
- Thị trường vốn: Là thị trường phát hành và mua bán các công cụ tài chính có kỳ hạn từ 1 năm trở nên như cổ phiếu, trái phiếu. Thị trường này chính là nơi giải quyết quan hệ cung – cầu về vốn dài hạn. Thị trường vốn được phân thành 3 bộ phận là thị trường cổ phiếu, các khoản cho vay thế chấp và trái phiếu.
Căn cứ theo phương thức huy động nguồn tài chính
Dựa vào phương thức huy động nguồn tài chính, thị trường tài chính được phân thành 2 loại sau:
– Thị trường nợ: Là thị trường diễn ra việc mua bán các công cụ nợ. Bao gồm các công nợ sau:
- Công cụ nợ ngắn hạn: Là công cụ nợ có thời gian đáo hạn dưới 01 năm.
- Công cụ nợ trung hạn: Là công cụ nợ có thời gian đáo hạn từ 01 – 10 năm.
- Công cụ nợ dài hạn: Là công cụ nợ có thời gian đáo hạn từ 10 năm trở lên.
– Thị trường vốn cổ phần: Là thị trường mà người cần vốn sẽ huy động vốn bằng cách phát hành các cổ phiếu. Các cổ phiếu này chính là quyền được chia phần trên tài sản của các công ty phát hành cổ phiếu và lãi ròng. Người nắm giữ cổ phiếu sở hữu một phần tài sản của công ty có quyền được chia lợi nhuận ròng từ công ty sau khi trừ chi phí, thuế và thanh toán cho chủ nợ (những người sở hữu công cụ nợ).
Căn cứ vào sự luân chuyển các nguồn tài chính
Dựa theo sự luân chuyển của các ngoài tài chính, thị trường tài chính được phân thành 2 loại sau:
- Thị trường sơ cấp (còn gọi là thị trường cấp 1): Là thị trường tài chính diễn ra việc mua bán chứng khoán đang phát hành hay chứng khoán mới. Việc mua bán chứng khoán trên thị trường này thường được tiến hành thông qua trung gian là các ngân hàng.
- Thị trường thứ cấp (còn gọi là thị trường cấp 2): Là thị trường diễn ra các hoạt động chuyển nhượng, mua bán lại các chứng khoán được phát hành trên thị trường sơ cấp. Thị trường thứ cấp được chia làm 2 loại: Thị trường phi tập trung và sở giao dịch.
Mô hình hoạt động của thị trường tài chính thứ cấp
Căn cứ vào tính chất pháp lý
- Thị trường tài chính chính thức: Là thị trường mà tại đó mọi hoạt động huy động, cung ứng, giao dịch các nguồn tài chính được thực hiện theo những nguyên tắc, thể chế do nhà nước quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Các chủ thể tham gia thị trường được pháp luật thừa nhận và bảo vệ;
- Thị trường tài chính không chính thức: Là thị trường mà ở đó mọi hoạt động huy động, cung ứng, giao dịch các nguồn tài chính và người cần nguồn tài chính không theo những nguyên tắc, thể chế do nhà nước quy định.
Ngoài ra, khi nói về thị trường tài chính, bạn sẽ bắt gặp thêm một số thuật ngữ phân loại như thị trường tài chính phái sinh, thị trường tài chính quốc tế… Trong đó, thị trường tài chính phái sinh được hiểu là nơi diễn ra các hoạt động mua đi bán lại các loại sản phẩm tài chính phái sinh. Các sản phẩm thông dụng của thị trường tài chính phái sinh như: Quyền mua cổ phần, Chứng quyền, Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng hoán đổi…
Hiện nay trên thị trường tài chính quốc tế, nghiệp vụ tài chính phái sinh đã phát triển mạnh với sự đa dạng và đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Chức năng và vai trò của thị trường tài chính
Chức năng của thị trường tài chính
Thị trường tài chính có các chức năng cụ thể trong việc dẫn nguồn tài chính để đảm bảo thúc đẩy các yếu tố liên quan. Về cơ bản, thị trường tài chính có 3 chức năng cụ thể sau đây:
– Dẫn nguồn tài chính từ những chủ thể có khả năng cung ứng nguồn tài chính đến những chủ thể cần nguồn tài chính. Theo đó:
- Thị trường tài chính là kênh dẫn vốn từ người tiết kiệm đến người kinh doanh. Điều này giúp cho việc chuyển vốn từ người không có cơ hội đầu tư sinh lợi đến những người có cơ hội đầu tư sinh lợi.
- Thúc đẩy việc tích lũy và tập trung tiền vốn để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như sản xuất kinh doanh.
- Giúp cho việc sử dụng vốn có hiệu quả hơn đối với người có tiền đầu tư và người vay tiền để đầu tư. Theo đó, người cho vay sẽ có lãi thông qua lãi suất cho vay còn người đi vay sẽ phải tính toán sử dụng vốn vay để hoàn trả cả vốn và lãi cho người cho vay và tạo thu nhập và tích lũy cho chính bản thân.
- Thị trường tài chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách mở cửa, cải cách kinh tế của Chính phủ. Điều này được thể hiện thông qua các hình thức như phát hành trái phiếu ra nước ngoài, bán cổ phần, thu hút vốn đầu tư nước ngoài
- Thị trường tài chính cho phép sử dụng các chứng từ có giá, bán cổ phiếu, trái phiếu, đổi tiền.
– Thị trường tài chính có chức năng tăng khả năng thanh khoản cho các chứng khoán;
– Thị trường tài chính cung cấp thông tin kinh tế và đánh giá giá trị của doanh nghiệp hoạt động trên thị trường.
Thị trường tài chính giúp tăng khả năng thanh khoản cho các chứng khoán
Vai trò của thị trường tài chính
Thị trường tài chính có vai trò quan trọng đối với các hoạt động của các chủ thể tham gia trên thị trường. Cụ thể:
- Thị trường tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút, huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước, đồng thời khuyến khích tiết kiệm và đầu tư;
- Thị trường tài chính góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính;
- Thị trường tài chính thực hiện chính sách tài chính, chính sách tiền tệ của nhà nước.
Thực trạng thị trường tài chính tại Việt Nam
Thị trường tài chính Việt Nam theo đánh giá là thị trường khá đầy đủ về mặt lượng và đang từng bước khẳng định đây chính là kênh huy động vốn đầu tư quan trọng cho nền kinh tế của cả đất nước. Sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam có nhiều tác động đến từ các chính sách tài chính.
Thực tế thời gian qua, chính sách tài chính đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của từng bộ phận của thị trường tài chính Việt Nam, hướng tới phát triển cân bằng thị trường tài chính. Đây chính là mục đích lớn nhất bởi khi thị trường tài chính phát triển cân bằng sẽ có những tác động to lớn đối với nền kinh tế nói chung như: Tạo ra sự liên thông giữa các thị trường thông qua đa dạng các kênh đầu tư, kênh phân phối, tối ưu các sản phẩm tài chính hiện đại, giảm sức ép đối với các ngân hàng thương mại khi phải cung cấp nguồn vốn tín dụng quá lớn cho nền kinh tế, qua đó giúp giảm rủi ro và nợ xấu cho các ngân hàng thương mại. Đặc biệt khi thị trường tài chính phát triển cân bằng sẽ tạo điều kiện phát triển các dịch vụ tài chính phi ngân hàng như: Bảo hiểm, cho thuê tài chính, cho vay ngang hàng… Dưới đây là một số điểm nổi bật về sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam:
Thị trường vốn
Thị trường vốn của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong gần 20 năm xây dựng và phát triển. Theo đó, thị trường vốn đã từng bước thể hiện vai trò là kênh dẫn vốn có hiệu quả cho nền kinh tế với tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế năm sau cao năm trước, hiện nay tỷ lệ cung ứng vốn của thị trường này đã lên tới 35,8% (số liệu thống kê đầu năm 2020).
Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nhưng tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế qua thị trường chứng khoán vẫn đạt khoảng 107 nghìn tỷ đồng. Ước tính tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm được thực hiện qua kênh thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức bình quân 16,5%/năm giai đoạn 2016 – 2019.
Trước đó, ông Terence F.Mahony, Phó chủ tịch VinaCapital, đồng Trưởng nhóm Thị trường vốn VBF đã đưa ra nhận định, đảm bảo thanh khoản cho thị trường vốn là yếu tố quan trọng nhất, bởi đây là chìa khóa tiên quyết tạo thành công cho thị trường chứng khoán. Ông kiến nghị, để thị trường chứng khoán Việt Nam có bước tăng trưởng nhanh và bền vững, cần phải:
- Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần trao đổi cởi mở và chi tiết với các thành viên thị trường về việc soạn thảo các nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Chứng khoán mới.
- Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện gặp gỡ các thành viên thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản trong việc phát triển nhà đầu tư có tổ chức trong nước.
- Để nhanh đưa ngành chứng khoán vào kỷ nguyên 4.0, kiến nghị Chính phủ ủng hộ ngành chứng khoán chấp nhận chữ ký số, hồ sơ điện tử, ví điện tử giao dịch thanh toán tức thời và giá chứng khoán theo thời gian thực.
Thị trường tiền tệ
Dù thị trường vốn đã có sự tăng trưởng khá, nhưng vốn cho tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu thông qua kênh tín dụng. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP năm 2020 đã vượt 135,8%. Cùng với các yếu tố khác như kiểm soát Covid-19, xuất siêu lớn… tỷ lệ tín dụng/GDP cao đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giúp Việt Nam là một trong số ít nước có tăng trưởng dương trong năm 2020. Thực tế, tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào “sức khỏe” của doanh nghiệp và lãi suất cho vay. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam đã bị yếu đi. Số doanh nghiệp vào thị trường, gồm đăng ký thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng thấp, trong khi số doanh nghiệp ra khỏi thị trường (gồm giải thể, tạm dừng hoạt động kinh doanh) khá nhiều.
Các tổ chức tín dụng đã tiết giảm chi phí nhằm tạo thêm cơ hội giảm lãi suất cho vay
Trước tình hình này, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng; miễn giảm, hạ lãi suất cho gần 485.000 khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; cho 310.000 khách hàng vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5 – 2,5% so với trước dịch, với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến cuối tháng 9/2020 đạt 1,6 triệu tỷ đồng.
Hiện các ngân hàng vẫn tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do Covid-19.
Có thể thấy dù đã chịu nhiều tác động của dịch bệnh nhưng thị trường tài chính Việt Nam vẫn đang có những dấu hiệu khởi sắc, hứa hẹn mang đến nhiều chuyển biến tích cực đưa đến sự cân bằng trong phát triển thị trường tài chính cũng như nền kinh tế nói chung.
Trên đây là các thông tin về thị trường tài chính, phân loại cũng như các chức năng, vai trò của thị trường tài chính và thực trạng thị trường tài chính tại Việt Nam. Hy vọng qua đây bạn đã hiểu rõ về thị trường tài chính nói chung và những biến chuyển trong thị trường tài chính của Việt Nam.